Pages

Đạo Tin Lành

Khởi nguồn đạo tin lành.

Giới Thiệu Đạo Tin Lành

Đạo tin lành bắt đầu khởi nguồn từ 100 năm sau.

Church Greeting

Introduction About Church

Beauty Church

Go to here and understand The Church

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

GIEO GIỐNG ÐẠO TIN LÀNH


GIEO GIỐNG ÐẠO TIN LÀNH



Nói tới đạo, chúng ta có thể nghĩ đến đạo làm người, đạo vợ chồng, đạo đức học.v.v.. Ðạo cũng có nghĩa là một tôn giáo, như đạo Phật, đạo Tin Lành, đạo Cao Ðài, đạo Hồi, đạo Bà-la-môn v.v... Nhiều người cho rằng đạo nào cũng vậy, đạo nào cũng dạy làm lành lánh dữ.
Ðọc Kinh Thánh chúng ta thấy khi Ðức Chúa Jêsus khởi sự thi hành chức vụ mình thì "Ngài có độ ba mươi tuổi." (Lu ca 3:23). Ngài chọn "mười hai người, gọi là sứ đồ, để ở cùng Ngài và sai đi giảng đạo" (Mác 3:14).
Ðức Chúa Giê su trải qua khắp xứ Ga-li-lê để giảng dạy trong các nhà hội. Ngài cũng phán cùng các môn đồ rằng:"Chúng ta đi nơi khác, trong những làng xung quanh đây, để ta cũng giảng đạo ở đó nữa." (Mác 1:38). Nay cậy nhờ ơn Ðức Thánh Linh, chúng ta học Lời Chúa, Kinh Thánh ghi lại rằng:"Ðức Chúa Jêsus lại khởi sự giảng dạy nơi bờ biển. " (Mác 4:1).
Ở đây chúng ta học Ðức Chúa Giê su điều quý báu là Ngài tận dụng mọi cơ hội để giảng đạo. Chúa giảng đạo trong nhà Hội, giảng đạo trên núi, nay Chúa giảng đạo nơi bờ biển. Không những giảng đạo mà Ðức Chúa Giê su còn làm gương cho chúng ta về việc cá nhân chứng đạo nữa. Ngài làm chứng đạo cho Ni Cô đem. Ngài làm chứng đạo cho người đàn bà Sa ma ri tại giếng Gia cốp. Chúa cũng không bỏ qua cơ hội dạy đạo cho hai môn đồ trên đường đi đến làng Em-ma-út. Phao lô học Ðức Chúa Giê su điều quý báu nầy, nên Ông dạy chúng ta rằng:"hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời." (2 Timothe 4:2). Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta biết tận dụng mọi nơi mọi lúc giảng đạo hoặc chứng đạo theo như tấm gương quý báu của Ðức Chúa Giê su.
Ðức Chúa Giê su phán: "Hãy nghe. Có người gieo giống đi ra đặng gieo." (Mác 4:3). Khi Chúa giảng đạo, Ngài muốn mọi người nghe. Chúng ta nên suy nghĩ là tại sao Chúa bảo "hãy nghe?" Tại vì có những người không thích nghe lời Chúa. Họ thích nghe tân nhạc, nghe cổ nhạc, nghe Paris By Night, nghe Asia, nghe phim Hồng kông, nghe phim Ðại Hàn. Lạ lắm, có những người đi nhà thờ nhưng không hết lòng chăm chú nghe giảng Lời Chúa, họ: "bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn" (2 Timothe 4:4), cho nên Ngài kêu gọi họ "hãy nghe Lời Ngài."
Lời Chúa phán tiếp rằng có người gieo giống đi ra đặng gieo. Có những hột giống rơi dọc đường, chim ăn hết. Có những hột giống rơi vào nơi đất đá sỏi, khi mọc lên vì rễ không sâu, bị sức nóng của nắng thì héo hết. Có những hạt giống rơi nhằm bụi gai, mọc lên, nhưng gai rậm quá làm cho nghẹt ngòi. Có những hạt giống rơi vào nơi đất tốt, mọc lên kết quả bội phần, một hột thành ba chục, sáu chục hoặc là một trăm.
Kinh Thánh ghi tiếp là: "Khi Ðức Chúa Jêsus ở một mình, những kẻ xung quanh Ngài cùng mười hai sứ đồ hỏi Ngài về các lời thí dụ." (Mác 4:10). Chúng ta học các sứ đồ trong chuyện nầy là khi học không hiểu Lời của Chúa thì họ đến hỏi Ngài.
Thật ra Lời Chúa trong Kinh Thánh nhiều lần đọc, chúng ta cũng không hiểu. Thế thì chúng ta nên tìm những người hiểu biết Kinh Thánh hơn mình để hỏi, để thảo luận, để tìm xem Ý Chúa muốn dạy mình điều gì qua phân đoạn Kinh Thánh nầy. Ðiều rất quan trọng là chúng ta phải cầu nguyện xin Chúa Thánh Linh dạy mình. Lời của Chúa thật lạ lùng. Có khi đọc cùng một phân đoạn Kinh Thánh, nhưng mỗi lần đọc đến, Chúa cho chúng ta có bài học khác hơn. Thật có phước. Nhớ rằng đối với Lời Chúa, mỗi chúng ta phải "suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước." (Giô suê 1:8).
Ở thành phố tên là Ballarat, Melbourne Úc Châu, trước đây có mỏ vàng. Nhiều người đã đến đó để tìm vàng. Hiện nay du khách trả khoảng $10.00 thì cứ việc vào đó đãi vàng. Nếu được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Có nhiều người không tìm được vàng, nhưng có những người bền lòng, thỉnh thoảng tìm được vài miếng vàng đắt giá. Quý vị muốn tìm vàng thì xin mờiù đến.
Tìm hiểu Lời Chúa, cũng như chúng ta tìm nơi có vàng. Dù chúng ta ít khi hiểu hết Lời Chúa, nhưng nếu chúng ta bền tâm thì Ðức Thánh Linh sẽ dạy cho chúng ta biết Lời Ngài. Chính Chúa hứa với mỗi chúng ta rằng: “Hãy xin, sẽ được, hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở.” (Ma thi ơ 7:7,8).
Quý vị ơi, xin hãy cố gắng dành thì giờ đọc Lời Chúa. Vì Lời Chúa không phải quý như vàng, mà là quý hơn vàng! Vua Ða vít đã nói: “Lời Chúa làm cho tôi được sống lại, Ấy là sự an ủi tôi trong cơn hoạn nạn.” (Thi Thiên 119:50). Ông cũng nói:"Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi, Ðể tôi không phạm tội cùng Chúa." (Thi thiên 119:11). Câu nầy có nghĩa rằng nếu không có lời Chúa trong lòng tôi , tôi sẽ phạm tội cùng Chúa. Lời Chúa quý báu biết bao!
Khi các sứ đồ đến hỏi Ðức Chúa Giê su về thí dụ, Ngài giải thích cho họ rằng: " Người gieo giống ấy là gieo đạo."(Mác 4:14). Ðức Chúa Giê su đi giảng đạo, Ngài dạy các sứ đồ giảng đạo và Ngài sai họ đi giảng đạo. Bây giờ Chúa dạy các Sứ đồ rằng: "Người gieo giống ấy là gieo đạo." Ý Chúa muốn dạy về đạo gì? Muốn học điều nầy, xin chúng ta nghe lời giảng của Ðức Chúa Giê su. Ngài giảng rằng: "Kỳ đã trọn, nước Ðức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin Lành." (Mac 1:15). Phao lô giải thích lời Chúa cho chúng ta rằng: "đạo chơn thật, là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em."(Epheso 1:13). Nghĩa là đạo của Ðức Chúa Giê su là đạo Tin Lành chơn thật cứu rỗi tội nhơn thoát khỏi hình phạt trong Hồ lửa. Xin nhớ là mỗi chúng ta "đều đã phạm tội." (Rô ma 3:23).
Mỗi tội nhơn đều sẽ bị hình phạt vì tội lỗi của chính họ, trừ khi họ được Ðức Chúa Trời rửa sạch tội lỗi cho, thì họ sẽ không bị hình phạt mà lại được hưởng Nước Ðức Chúa Trời. Muốn cho tội lỗi mình được rửa sạch, có người tưởng lầm rằng chúng ta có thể nhờ làm lành lánh dữ, có thể nhờ công đức hay có thể nhờ công quả để lấy công chuộc tội, hoặc là mình phải sám hối v.v... nhưng tất cả đều không đúng. Chỉ có một cách đúng để chúng ta được sạch tội mà thôi. Ðó là chính lời Ðức Chúa Trời dạy rằng phải nhờ "huyết Con Ngài làm sạch mọi tội chúng ta" (1 Giăng 1:7b). Xin mời quý độc giả học thuộc lòng câu Kinh Thánh nói về Con Ðức Chúa Trời yêu thương mỗi chúng ta như sau: "Ðấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta." (Khải huyền 1:6a). Vậy thì chỉ có huyết của Ðức Chúa Giê su mới làm cho chúng ta được sạch tội mà thôi.
Lời Chúa dạy tường tận như vậy, cho nên khi chứng đạo hay khi giảng đạo, chúng ta phải chú tâm rao giảng "Tin Lành của Ðức Chúa Jêsus Christ." (Mác 1:1). Chúng ta là con dân Ðức Chúa Giê su chúng ta phải tuân theo thánh ý của Ngài. Phao lô là một nhà thông thái, học thức rộng, hiểu biết cao, nhưng khi giảng đạo thì Ông quả quyết rằng: "Tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Ðức Chúa Jêsus Christ, và Ðức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự." (1 Corinhto 2:2). Khi dự Tiệc Thánh, Lời Chúa nhắc nhở chúng ta rằng: "Mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến." (1 Cô rinh tô 11:26). Chính Ðức Chúa Giê su phán: "Con Người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất."(Lu ca 19:10). Như vậy muốn có đời sống đẹp lòng Chúa thì chúng ta phải nối gót Ðức Chúa Giê su nhờ ơn Ðức Thánh Linh giúp đỡ mang những người chưa biết Chúa, dẫn họ đến với Chúa để họ biết Ngài, tin nhận Ngài và được cứu.
Quý con dân của Chúa nên biết các lẽ thật quý báu nầy:
1.- Ðức Chúa Giê su "chịu chết vì tội chúng ta." (1 Cô rinh tô 15:3b).
2.- "Huyết của Ðức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta." (1 Giăng 1:7b).
3.- Ðức Chúa Giê su "sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta." (Rô ma 4:25).
4.- Ðức Chúa Giê su thăng thiên "Ngài đang ngự bên hữu Ðức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta." (Rô ma 8:34).
5.- Ðức Chúa Giê su sẽ tái lâm để thực hiện điều Ngài hứa với mỗi chúng ta rằng: "Ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó." (Giăng 14:3b).
Mỗi khi nghe quý vị Mục sư giảng về những điều vừa kể trên, các con dân của Chúa lắng nghe suy nghĩ và áp dụng cho chính mình, giống như Phao lô. Ông nói: "Con Ðức Chúa Trời, là Ðấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi." (Ga la ti 2:20). Thưa quý con dân của Chúa, nếu quý vị tìm nghe những bài giảng luân lý thì không có gì sai, nhưng nghe những bài giảng về Tin Lành của Ðức Chúa Giê su là Ðấng Cứu Rỗi chúng ta thì quý báu hơn.
Nếu chúng ta vâng lời Chúa, tìm hiểu và cảm tạ Ðức Chúa Giê su về những điều Ngài đã làm cho chúng ta, Chúa sẽ ban phước và Hội Thánh của Ngài sẽ tăng trưởng và các con dân của Chúa biết cám ơn Chúa và đứng vững trong niềm tin Chúa Cứu Thế Giê su của mình.
Xin nhớ rằng chúng ta được cứu thoát khỏi hình phạt nơi Hồ lửa đời đời là nhờ công lao cứu chuộc của Ðức Chúa Giê su đã làm cho chúng ta, chớ không phải bởi những việc lành của chúng ta. Thế còn ý nghĩa câu Kinh Thánh nầy thì sao? Ðức Chúa Giê su phán: "Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi." (Ma thi ơ 7:21). Có vài người nêu lên việc "phải làm theo ý muốn của Cha" là phải làm lành hoặc phải làm công việc Chúa, mới được cứu!" Xin chúng ta nghe lời giải thích của Ðức Chúa Giê su: "Ðây là ý muốn của Cha ta, phàm ai nhìn Con và tin Con, thì được sự sống đời đời." (Giăng 6:40).
Như vậy thì các con dân của Chúa hoàn toàn nhờ cậy vào công lao cứu chuộc của Ðức Chúa Giê su mà thôi. Nếu vậy thì mình có cần phải làm những công việc Chúa và phải lành không? Cần chớ! Cần phải làm công việc Chúa và phải làm lành. Chính Ðức Chúa Giê su dạy: "Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời." (Ma thi ơ 5:16). Vậy thì khi chúng ta làm việc lành là lúc chúng ta đã là con của Ðức Chúa Trời rồi, chớ không phải làm việc lành để được làm con của Chúa. Ðiều kế là chúng ta làm việc lành để người ta ngợi khen Cha chúng ta trên trời. Tôi tin rằng tất cả chúng ta là con dân của Chúa không ai muốn làm những việc xấu xa để Danh Cha của chúng ta bị thiên hạ chê cười. Vả lại mỗi chúng ta đều muốn công việc nhà Cha được tốt, cho nên mỗi chúng ta cầu xin Chúa giúp sức để chúng ta làm công việc Ngài. 
Cầu xin Chúa ban phước nhiều cho mỗi chúng ta. A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành

KHÁI QUÁT VỀ ĐẠO TIN LÀNH

KHÁI QUÁT VỀ ĐẠO TIN LÀNH:

dao tin lanh

Hội thánh tự trị đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, kể cả ở Đông Dương.
             Đạo Tin lành ra đời ở châu Âu vào thế kỷ thứ XVI có nguồn gốc chính trị, xã hội sâu xa.

         I. VỀ TÊN GỌI ĐẠO TIN LÀNH

Tên gọi của mỗi tôn giáo đều mang một ý nghĩa riêng, có khi nó liên quan đến một địa danh, một nhân vật sáng lập, một điển tích lịch sử hay mỗi xu hướng giáo lý, thần học. Cũng có khi tên gọi của một tôn giáo xác định mối quan hệ mang tính lịch sử... Tên gọi của đạo Tin lành, có một ý nghĩa riêng và chỉ rõ mối quan hệ giữa đạo Tin lành với các tôn giáo trong Kitô giáo.
Vào đầu Công nguyên, ở vùng Trung Cận Đông thuộc vùng đất của đế quốc La Mã xuất hiện một tôn giáo mới thờ Đấng Cứu thế - ngôi hai Thiên Chúa, tiếng Hy Lạp là Jésus Christ. Danh xưng Jésus Christ dịch qua tiếng Việt là Giê-su Ki-ri-xi-tô, gọi tắt là Giêsu Kitô; chữ Jesus dịch qua âm Hán là Gia tô; chữ Christ là Cơ đốc. Như vậy, đạo thờ Đấng Cứu thế có những tên gọi theo cách dịch khác nhau: đạo Kitô, đạo Giatô, đạo Cơ đốc. Từ tôn giáo địa phương thế kỷ IV đạo Kitô trở thành tôn giáo của đế quốc La Mã rộng lớn và thường được gọi là Catholic. Thực ra tên gọi Catholic có từ rất sớm để chỉ những cộng đồng Kitô giáo ban đầu và nó có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp: Katholikos có nghĩa là chung (General), là thông thường (Common) hay toàn bộ (Universal). Sau này, khi Kitô giáo phân rẽ thành Công giáo Rôma, Chính thống giáo, Tin lành, Anh giáo thì trong nhiều trường hợp Catholic (Công giáo) vẫn chỉ toàn bộ truyền thống Kitô giáo. Ở Việt Nam, Catholic gọi là Công giáo, có một thời kỳ người Việt Nam gọi Công giáo là Thiên Chúa giáo. Gọi như vậy không đúng vì cả Chính thống giáo, Tin lành, Anh giáo đều thờ Thiên Chúa. Thấy thế, có người bổ sung thêm từ Rôma và gọi là đạo Thiên Chúa hệ Rôma. Cách gọi này có vẻ rõ hơn nhưng xem ra cũng không chuẩn xác, nên đã trở lại tên gọi chính thức của nó là: đạo Công giáo.
Đến thế kỷ XI, cụ thể là năm 1054 Ki-tô giáo diễn ra cuộc đại phân liệt lần thức nhất, một bên theo văn hoá Hy Lạp, một bên theo văn hoá La tinh, gọi là phân liệt Đông - Tây, hình thành tôn giáo mới ở phương Đông: Chính thống giáo (Orthodoxism). Tên gọi này biểu lộ quan điểm (Dox) thẳng thắn và đúng đắn (Ortho) của một "giáo thuyết về niềm tin chân thật". Đôi khi người ta gọi Chính thống giáo là Kitô giáo phương Đông. Thậm chí trong một số văn cảnh, người ta dùng các từ Đông phương, Hy Lạp, Constantinople để chỉ Chính thống giáo, các từ: Tây phương, La tinh, Rôma để chỉ Công giáo.
Thế kỷ XVI, cuộc đại phân liệt lần thứ hai diễn ra trong Công giáo, hình thành một tôn giáo mới - đạo Tin lành. Giáo hội Công giáo và phong kiến châu Âu gọi là đạo chống đối - Protestantism, khi sang Trung Quốc, Protestantism dịch qua Hán gọi là "đạo Thệ phản". Cuộc đại phân liệt lần thứ hai thực chất là cuộc cải cách tôn giáo, cho nên trong nhiều trường hợp người ta còn gọi đạo Tin lành là "đạo Cải cách" (Reformism). Đạo Tin lành truyền vào Việt Nam đầu thế kỷ XX,  ở miền Bắc được gọi theo cách của người Trung Quốc là "đạo Thệ phản", ở miền Trung gọi là "đạo Giatô", ở miền Nam gọi là "đạo Huê Kỳ". Đầu những năm 20, 30 của thế kỷ XX giáo sĩ Cadman người Canada thuộc Hội Truyền giáo Cơ đốc - CMA, cùng với văn sĩ Phan Khôi dịch Kinh thánh ra tiếng Việt Nam, hai ông không dịch Phúc âm (Evangelical) là "Tin mừng" như đạo Công giáo, mà dịch là "Tin lành". Cách gọi Phúc âm là Tin lành của những người theo đạo Cải cách (Thệ phản) dần dần thành thói quen và nhất là nó phân biệt được với đạo Công giáo nên người ta gọi luôn đạo Cải cách là đạo Tin lành cho đến ngày nay.
Cùng thời gian với việc ra đời đạo Tin lành, xuất hiện một trào lưu cải cách theo cách riêng ở nước Anh hình thành Anh giáo - Angelicalsm.
Như vậy, Kitô giáo hay Cơ đốc giáo bao gồm: Công giáo (Catholic), Chính thống giáo (Orthodoxsm), Tin lành (Protestantism), Anh giáo (Angelicalism), hay nói cách khác, đạo Tin lành là "anh em" cùng một gốc với đạo Công giáo, đạo Chính thống và Anh giáo.
II. HOÀN CẢNH VÀ ĐIỀU KIỆN RA ĐỜI ĐẠO TIN LÀNH
1. Đạo Tin lành ra đời ở châu Âu vào thế kỷ thế XVI có nguồn gốc chính trị, xã hội sâu xa. Trước hết là sự xuất hiện của giai cấp tư sản với những yêu cầu mới về chính trị, xã hội, tư tưởng tôn giáo. Trong điều kiện thời Trung cổ, Giáo hội Công giáo và giai cấp phong kiến có quan hệ chặt chẽ với nhau, đạo Công giáo trở thành chỗ dựa tư tưởng cho chế độ phong kiến, Giáo hội Công giáo bị chính trị hoá trở thành thế lực phong kiến, giai cấp tư sản đã thực hiện cuộc cải cách đạo Công giáo để "tháo bỏ hào quang tôn giáo" của giai cấp phong kiến, để thu hẹp dần lực lượng và ảnh hưởng của giai cấp phong kiến, trước khi tiến hành cuộc cách mạng xã hội - cách mạng tư sản để lật đổ chế độ phong kiến.
2. Đạo Tin lành ra đời thể hiện sự khủng hoảng nghiêm trọng về vai trò ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo do những tham vọng quyền lực trần thế và sự sa sút về đạo đức của hàng giáo phẩm, nhất là sau cuộc "lưu đày Babylon" (1387 - 1417). Cùng với sự khủng hoảng, uy tín ảnh hưởng của Giáo hội là sự bế tắc của nền thần học Kinh viện (hình thành từ thế kỷ XII) - cơ sở quyền lực của Giáo hội Công giáo.
3. Đạo Tin lành ra đời xét về mặt văn hoá, tư tưởng được thúc đẩy bằng phong trào Văn hóa phục hưng - chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu thế kỷ XV, XVI. Với chủ trương đề cao con người, đề cao nhân tính, nhân quyền đối lại việc đề cao thần tính, thần quyền, đề cao tự do cá nhân, dân chủ và sự hưởng lạc, đối lại sự kìm hãm dục vọng và sự ràng buộc của chế độ phong kiến và luật lệ Công giáo, đề cao lòng yêu nước cụ thể đối lại đề cao lòng yêu Thiên Chúa và một nước Chúa chung chung diệu vợi... Văn hoá phục hưng - chủ nghĩa nhân văn đã tạo ra chiều kích mới về văn hoá, tư tưởng, cách nhìn mới về con người và tôn giáo, làm cơ sở cho việc nảy nở và tiếp thu những tư tưởng cải cách tôn giáo.
4. Đạo Tin lành ra đời là sự kế thừa, tiếp nối các phong trào chống lại quyền lực Giáo hoàng và Giáo triều Rôma từ nhiều thế kỷ trước, mà tiêu biểu là một số phong trào từ thế kỷ XII trở đi, như: phong trào Albigeois (thế kỷ XII) ở Pháp, phong trào Waldensians (thế kỷ XII) ở Pháp, phong trào John Wycilff (thế kỷ XIV) ở Anh, phong trào Jerome Savararola (thế kỷ XV) ở Ý, và nhất là phong trào Jean Huss (thế kỷ XV) ở Tiệp…
5. Nguyên nhân trực tiếp hay đúng hơn là nguyên cớ của cuộc cải cách là đời sống sa hoa hưởng lạc của hàng giáo phẩm trong giáo triều Rôma và nhất là việc giáo hoàng Leon X ra lệnh ban ơn toàn xá cho những ai dâng cúng tiền của cho Giáo hội bằng cách cho bán "bùa xá tội". Những người xướng xuất và lãnh đạo cuộc cải cách không phải ai khác là những giáo sĩ Công giáo: linh mục, tiến sĩ Thần học Martin Luther (1483 - 1546), linh mục Thomas Munzer (1490 - 1525), linh mục Jean Calvin (1509 - 1564), linh mục Ubric Zwinghi (1484 - 1531)...
Phong trào cải cách tôn giáo nổ ra đầu tiên ở Đức vào tháng 11 năm 1517 bằng việc Martin Luther công bố 95 luận đề chống lại chức vụ giáo hoàng, giáo quyền Rôma và việc bán "bùa xá tội". Từ nước Đức, phong trào lan sang các nước Pháp, Thụy Sĩ, Anh, Scốtlen, Ai-rơ-len, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy... để đến giữa thế kỷ XVII, sau cuộc chiến tranh ba mươi năm (1618 - 1648) bất phân thắng bại, gây nhiều tổn thất, cả châu Âu và giáo triều Rôma chấp nhận những người cải cách và từ đó hình thành một tôn giáo mới tách ra khỏi đạo Công giáo - đạo Tin lành.
                             III. QUÁ TRÌNH TRUYỀN BÁ ĐẠO TIN LÀNH
Thế kỷ XVII giai cấp tư sản ở châu Âu bước lên vũ đài chính trị, tự khẳng định mình bằng một loạt cuộc cách mạng tư sản (cách mạng tư sản Anh 1640, cách mạng tư sản Pháp 1789...). Đặc biệt, sau đó giai cấp tư sản châu Âu tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược ra bên ngoài để mở rộng thị trường và khai thác nguyên vật liệu. Đạo Tin lành đã khai thác triệt để hoàn cảnh chính trị, xã hội nói trên nhằm mở rộng ảnh hưởng. Nếu cuối thế kỷ XVII, mới có 30 triệu tín đồ thì cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, đạo Tin lành có đến trên 100 triệu tín đồ. Thế kỷ XX, với hai cuộc chiến tranh thế giới (1914 - 1918, 1939 - 1945) và tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá với tốc độ như vũ bão đã tạo môi trường thuận lợi cho đạo Tin lành phát triển mở rộng ra nhiều nước trên thế giới. Đạo Tin lành ra đời ở châu Âu, sau đó truyền sang các nước Bắc Mỹ. Ở Bắc Mỹ gặp môi trường tự do, đạo Tin lành phát triển, hình thành nhiều tổ chức, hệ phái. Rồi từ Bắc Mỹ, bằng nhiều con đường, trong đó có việc nhờ dựa vào vị thế, ảnh hưởng của Mỹ, đạo Tin lành truyền trở lại châu Âu và lan toả ra toàn thế giới. Đó là con đường phát triển của đạo Tin lành, đồng thời  lý giải: cái nôi của đạo Tin lành ở châu Âu, còn trung tâm (điều hành) Tin lành thế giới ở Bắc Mỹ.
2. Một điều cần quan tâm nữa, trong quá trình phát triển, trước đây và hiện nay, một mặt khai thác điều kiện thuận lợi như nói trên, mặt khác tự bản thân đạo Tin lành rất năng động, luôn luôn đổi mới và thích nghi, đặc biệt là chủ trương "nhập thế", lấy các hoạt động xã hội làm phương tiện, điều kiện để thu hút tín đồ. Đồng thời do ra đời muộn, khi địa bàn truyền giáo ngày càng ít. Từ rất sớm, đạo Tin lành đã hướng các hoạt động truyền giáo đến vùng dân tộc thiểu số. Trên bình diện thế giới vào những thế kỷ trước, châu Á, châu Phi, châu Mỹ là những vùng xa xôi của "châu Âu văn minh". Hiện nay, đối với từng quốc gia, vùng miền núi, biên giới, hải đảo là những nơi dân tộc thiểu số sinh sống.
3. Đến nay, chỉ gần năm trăm năm kể từ khi ra đời, đạo Tin lành phát triển với tốc độ rất nhanh, trở thành một tôn giáo lớn, đứng thứ ba sau đạo Hồi giáo, Công giáo với khoảng 550 triệu tín đồ của 285 hệ phái có mặt ở 135 nước của tất cả các châu lục, trong đó tập trung ở các nước công nghiệp tiên tiến như Tây Âu, Bắc Âu và Bắc Mỹ.
IV. GIÁO LÝ, LUẬT LỆ, LỄ NGHI VÀ TỔ CHỨC
Đạo Tin lành có nhiều tổ chức hệ phái. Mặc dù có những điểm khác nhau về nghi thức hành đạo và cách tổ chức giáo hội giữa các hệ phái, nhưng nhìn chung đều thống nhất ở những nội dung, nguyên tắc chính. Có thể khái quát giáo lý, luật lệ, lễ nghi, tổ chức của đạo Tin lành để so sánh với đạo Công giáo như sau:
1. Kinh thánh và giáo lý
 + Trước hết về Kinh thánh, cả hai tôn giáo Tin lành và Công giáo đều lấy Kinh thánh (gồm Cựu ước và Tân ước) làm nền tảng giáo lý. Đạo Tin lành đề cao vị trí của Kinh thánh, coi đó là chuẩn mực căn bản, duy nhất của đức tin và sự hành đạo. Đạo Công giáo lại cho rằng ngoài Kinh thánh còn có những văn bản khác như nghị quyết các Công đồng chung, các sắc chỉ, thông điệp... của Giáo hoàng, về nguyên tắc cũng có giá trị như giáo lý. Đạo Tin lành đề cao Kinh thánh một cách tuyệt đối, tất cả tín đồ và chức vụ mục sư, truyền đạo đều sử dụng Kinh thánh, nói và làm theo Kinh thánh. Đối với đạo Tin lành, Kinh thánh có vị trí cực kỳ quan trọng. Trong các trường hợp, Kinh thánh giữ vai trò như một giáo sĩ trên cả hai phương diện mục vụ và truyền giáo.
+ Giáo lý của đạo Tin lành và Công giáo về cơ bản giống nhau. Cả hai tôn giáo đều thờ Thiên Chúa, tin theo thuyết "Thiên Chúa ba ngôi" (Ngôi Một: Cha, Ngôi Hai: Con, Ngôi Ba: Thánh thần; Ngôi Hai được "lưu xuất" từ Ngôi Một, Ngôi Ba được "lưu xuất" từ Ngôi Một và Ngôi Hai); tin vũ trụ, muôn vật đều do Thiên Chúa tạo dựng và có điều khiển; tin con người do Thiên Chúa tạo dựng theo cách riêng và có phần hồn và phần xác; tin con người có tội lỗi; tin có Ngôi Hai Thiên Chúa là Giêsu Kitô xuống trần chịu nạn, chịu chết chuộc tội cho loài người; tin có Thiên thần và Ma quỷ, có Thiên đàng và Địa ngục; tin có ngày Phục sinh, Tận thế và Phán xét cuối cùng.
Tuy nhiên, có một số chi tiết trong một số tín điều truyền thống của đạo Công giáo được đạo Tin lành sửa đổi và lược bỏ tạo ra sự khác biệt nhất định giữa đạo Tin lành và Công giáo.
+ Đạo Tin lành tin có sự hoài thai Chúa Giêsu một cách mầu nhiệm của bà Maria nhưng cho rằng bà Maria chỉ đồng trinh cho đến khi sinh Chúa Giêsu, sau đó không còn đồng trinh nữa. Thậm chí một số phái Tin lành cho rằng Kinh thánh nói Bà Maria sau khi sinh Chúa Giêsu còn sinh cho ông Giuse một số người con khác một cách bình thường. Một số phái Tin lành đã trích dẫn những câu Kinh thánh nói về việc bà Maria có con thêm với ông Giuse, như trong sách Matheu ở chương 13 câu 54, 55 có nói: "... Anh em Ngài (Chúa Giêsu) có phải là Giacô, Giosep, Simson, Giuđa ?" (Matheu 13; 55,56); hoặc sách Giăng chương 2, câu 12 còn nói rõ hơn: "Sau việc đó, anh em và môn đệ Ngài (Chúa Giêsu) đều xuống thành Ca-bê-na-um" (Giăng 2; 12). Do vậy, đạo Tin lành chỉ kính trọng chứ không tôn sùng thờ lạy bà Maria như đạo Công giáo. Bà Maria chỉ có công sinh và nuôi dạy Chúa Giêsu, chứ không phải là mẹ của Thiên Chúa.
+ Đạo Tin lành tin có Thiên sứ, có các thánh Tông đồ, các Thánh tử đạo và các Thánh khác, nhưng cũng chỉ kính trọng và noi gương, chứ không tôn sùng và thờ lạy họ như đạo Công giáo. Đạo Tin lành không thờ các tranh ảnh, hình tượng cũng như các di vật. Không tôn sùng và thực hiện hành hương đến các Thánh địa, kể cả Giêrusalem, núi Xinai, đền thánh Phêrô và Phaolô.
+ Đặc biệt, đạo Tin lành không thờ lạy các hình tượng và họ cho rằng Kinh thánh đã dạy: "Hình tượng là công việc do tay người làm ra, hình tượng có miệng mà không nói, có tai mà không nghe, có lỗ mũi mà chẳng ngửi, có tay nhưng không rờ rẫm, có chân nào biết bước đi... phàm kẻ nào làm hình tượng mà nhờ cậy nơi đó, đều giống nó" (Thi thiên 115; 4-8).
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đạo Tin lành có dùng các tranh ảnh, hình tượng trong sinh hoạt tôn giáo nhưng mang ý nghĩa tài liệu để giảng giải, truyền thụ.
+ Đạo Tin lành tin có Thiên đàng, Hoả ngục nhưng không quá coi trọng tới mức dùng nó làm công cụ khuyên thưởng răn đe, trừng phạt đối với con người. Đạo Tin lành không có Luyện ngục, nơi tạm giam các linh hồn mắc tội nhẹ đang chờ cứu vớt như đạo Công giáo. Họ cho rằng Kinh thánh chỉ nói đến Thiên đường, Hoả ngục, không nói đến Luyện ngục.
2. Luật lệ, lễ nghi
Trong đời sống tín ngưỡng, đạo Tin lành là một tôn giáo đặc biệt đề cao lý trí trong đức tin, cho rằng sự cứu rỗi chỉ đến bởi đức tin chứ không phải vì những "hình thức ngoại tại" (tức là không phải vì các luật lệ, lễ nghi). Do đó luật lệ, lễ nghi, cách thức hành đạo của đạo Tin lành đơn giản không cầu kỳ, rườm rà như đạo Công giáo.
+ Trong bảy phép Bí tích của đạo Công giáo (Rửa tội, Thêm sức, Giải tội, Thánh thể, Sức dầu, Truyền chức, Hôn phối) đạo Tin lành chỉ thừa nhận và thực hiện phép Rửa tội (Bắptem), phép Thánh thể. Vì họ cho rằng Kinh thánh chỉ nói đến những phép đó mà thôi. Một số phái Tin lành có thêm lễ Dâng con trẻ cho Thiên Chúa, dựa theo tích trong Cựu ước rằng A-bra-ham đã dâng con trai là Y-Sác cho đức Giê-hô-va.
+ Đạo Tin lành cho rằng phép Bắptem không phải tẩy trừ tội lỗi một cách linh nghiệm mà đó là sự thay cũ đổi mới của mỗi con người, một sự liên lạc bằng lương tâm và lý trí đối với Chúa Trời. Do vậy, người chịu Bắptem phải đủ tuổi để hiểu biết các lẽ đạo, và nhất là phải ăn ở trong sạch, không được phạm tội. Nghi lễ Bắptem của đạo Tin lành được tiến hành theo lối cổ như thánh Gioan rửa tội cho Chúa Giêsu trên sông Gio-đăng bằng cách dìm cả người xuống nước, chứ không dội ít nước lên đầu một cách tượng trưng như Công giáo.
+ Nguyên thuỷ, đạo Tin lành có 3 quan điểm về Lễ Thánh thể: M. Luther tuy tuyên bố không công nhận "thuyết biến thể" nhưng lại cho rằng bánh và rượu trong Lễ Thánh thể cũng là máu thịt Chúa Giêsu, uống rượu và ăn bánh là uống máu và ăn thịt Chúa Giêsu; U.Zwingli cho rằng Lễ Thánh thể chỉ đơn thuần kỷ niệm về sự chết của Chúa Giêsu, bánh và rượu chỉ có ý nghĩa vật chất; J. Calvin dung hoà quan điểm của Luther và Zwingli, rằng rượu và bánh trong Lễ Thánh thể vừa có ý nghĩa vật chất (ở bên ngoài), vừa có ý nghĩa thuộc linh (ở bên trong). Trong quá trình phát triển, tuy các phái Tin lành còn có những quan điểm khác nhau về Lễ Thánh thể nhưng nhìn chung đều phủ nhận "thuyết biến thể" của đạo Công giáo. Đa số phái Tin lành cho rằng Lễ Thánh thể là kỷ niệm về sự chết của Chúa Giêsu chuộc tội cho loài người, qua đó nhắc nhở con người sống xứng đáng với Thiên Chúa. Lễ Thánh thể của đạo Công giáo được tiến hành với nghi thức rườm rà, tín đồ chỉ được ăn "Bánh thánh" còn "Rượu thánh" không được uống mà dành cho các giáo sĩ. Đạo Tin lành thực hiện nghi lễ Thánh thể đơn giản hơn, tất cả tín đồ và giáo sĩ cùng uống rượu và ăn bánh. Lễ Thánh thể thường được tổ chức vào chủ nhật đầu tiên của từng tháng.
+ Ngoài hai phép Bắptem và Mình thánh, đạo Tin lành duy trì các lễ như lễ Nôel, lễ Phục sinh, lễ Dâng con trẻ cho Chúa, lễ Hôn phối và các nghi lễ khác cho người quá cố...
+ Đạo Công giáo cho rằng con người không những phải làm việc thiện mà còn phải hãm mình để chuộc tội. Đạo Tin lành lại quan niệm rằng việc chuộc tội cho loài người đã có Chúa Giêsu làm trọn rồi. Con người làm việc thiện để tỏ ra xứng đáng với Thiên Chúa. Con người phải có đức tin mới được cứu vớt.
+ Tín đồ đạo Công giáo xưng tội trong toà kín với linh mục là hình thức chủ yếu nhất, còn tín đồ đạo Tin lành xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa. Đạo Công giáo đặt ra nhiều bài kinh để cho mọi người cầu nguyện hàng ngày (quen gọi là Kinh nguyện). Đạo Tin lành chỉ tin có Kinh thánh, dùng Kinh thánh trong tất cả các sinh hoạt tôn giáo. Khi xưng tội cũng như khi cầu nguyện, tín đồ đạo Tin lành có thể đứng giữa nhà thờ, trước đám đông để sám hối hoặc nói lên ý nguyện của mình một cách công khai.
+ Nhà thờ (thánh đường) của đạo Công giáo được xây dựng tốn kém, kiến trúc đồ sộ theo lối cổ, bài trí công phu cầu kỳ và cho rằng đó là Nhà Chúa - nơi Chúa ngự một cách linh thiêng, đặc biệt, trong và ngoài nhà thờ, treo nhiều ảnh tượng. Nhưng trái lại, nhà thờ đạo Tin lành thường kiến trúc hiện đại, đơn giản, trong nhà thờ không có tượng ảnh, chỉ có cây thập giá biểu tượng Chúa Giêsu chịu nạn. Trong nhiều trường hợp đạo Tin lành chỉ sử dụng những phòng họp hoặc hội trường đôi khi một nhà tạm của tín đồ dùng để làm điểm nhóm lễ, chia sẻ lời Chúa trong Kinh thánh.
3. Chức sắc và tổ chức Giáo hội
 + Chức sắc của đạo Tin lành gồm các chức vụ: mục sư (tên gọi theo Kinh thánh) và dưới mục sư là truyền đạo (còn gọi là giảng sư). Hiện nay, Hội thánh Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) đều thống nhất gọi truyền đạo là mục sư nhiệm chức. Một số phái Tin lành vẫn duy trì chức giám mục, nhất là những hệ phái chịu ảnh hưởng của Anh giáo. Chức sắc đạo Tin lành chủ yếu là nam, nhưng cũng có một số phái có tuyển chọn cả phụ nữ và nhìn chung họ không giữ chế độ độc thân. Chức sắc đạo Tin lành tuy được coi là "người chăn bày" nhưng không có thần quyền, tức là không có quyền thay mặt Thiên Chúa ban phúc, tha tội cho tín đồ, không phải là cầu nối trung gian trong mối quan hệ giữa tín đồ đạo Tin lành với đấng thiêng liêng. Quan hệ giữa giáo sĩ với tín đồ bình đẳng, cởi mở. Có hệ phái Tin lành bầu ra mục sư, truyền đạo theo thời gian. Chức sắc đạo Tin lành hoạt động dưới sự kiểm soát của tín đồ, hàng năm tín đồ bỏ phiếu tín nhiệm mục sư (hoặc truyền đạo) quản nhiệm Hội thánh cơ sở.
Đạo Tin lành chủ trương xây dựng các giáo hội độc lập với những hình thức cơ cấu khác nhau, tuỳ thuộc vào từng hệ phái và hoàn cảnh điều kiện cho phép. Có hệ phái Tin lành duy trì cơ cấu 2 cấp Trung ương và Hội thánh cơ sở (chi hội), có hệ phái Tin lành duy trì thêm cấp trung gian là Giáo khu hay Địa hạt (tương đương như giáo phận của đạo Công giáo). Nhân sự lãnh đạo các cấp giáo hội theo nhiệm kỳ thông qua bầu cử dân chủ (trực tiếp, bằng phiếu kín, từng chức danh). Thành phần lãnh đạo Giáo hội không chỉ có mục sư, truyền đạo mà có cả tín đồ tham gia. Đặc biệt, các hệ phái Tin lành đều trao quyền tự quản cho hội thánh cơ sở với tinh thần tự lập, tự dưỡng, tự truyền. Các hệ phái Tin lành không ngăn cản tín đồ, chức sắc tách ra để gia nhập các hệ phái khác hoặc đứng độc lập.
+ Đạo Tin lành thường có hai sinh hoạt về mặt tổ chức là Bồi linh và Hội đồng (đại hội đại biểu). Bồi linh còn gọi là Hội đồng linh tu được tổ chức hàng năm theo các cấp giáo hội để nâng cao trình độ giáo lý, thần học cho tín đồ, mục sư, truyền đạo. Tuỳ theo cấp tổ chức bồi linh mà thành phần tham dự khác nhau. Nếu bồi linh cấp trung ương thì chỉ có các mục sư, truyền đạo và những chức vụ chủ chốt của các chi hội. Nếu bồi linh ở cấp chi hội thì mở rộng đến các tín đồ. Đại hội đại biểu ở cấp chi hội thường họp mỗi năm một lần, gọi là Hội đồng thường niên. Hội đồng ở chi hội có nhiệm vụ tổng kết công việc trong một năm và bàn chương trình hoạt động của năm tới, bầu ban chấp sự; bỏ phiếu tín nhiệm mục sư, truyền đạo chủ tọa và bầu chọn đại biểu đi dự Đại hội đồng cấp trên (nếu trùng nhiệm kỳ của Đại hội đồng). Đại hội đại biểu trên cấp chi hội là Đại hội đồng. Thành phần tham dự Đại hội đồng là các mục sư, truyền đạo và đại biểu tín đồ được cử ở các chi hội.
Đại hội đồng tổ chức theo nhiệm kỳ để giải quyết các công việc nội bộ, xây dựng hoặc sửa đổi hiến chương (Điều lệ) và bầu nhân sự lãnh đạo giáo hội.
V. MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ ĐẠO TIN LÀNH
Qua phân tích quá trình ra đời, phát triển, giáo lý, luật lệ, lễ nghi, tổ chức giáo hội chúng tôi khái quát một số nét đặc trưng cơ bản của đạo Tin lành như sau:
1. Đạo Tin lành là tôn giáo tách ra từ đạo Công giáo ở thế kỷ XVI cùng với sự xuất hiện của giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản. Nội dung cải cách chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng dân chủ tư sản, ý chí tự do cá nhân. Trong sinh hoạt tôn giáo, đạo Tin lành đề cao vai trò cá nhân. Trong sinh hoạt về tổ chức, đạo Tin lành đề cao tinh thần dân chủ. Các luật lệ, lễ nghi, cách thức hành đạo, cơ cấu tổ chức của đạo Tin lành đơn giản, nhẹ nhàng không rườm rà, gò bó như đạo Công giáo.
2. Những nội dung cải cách đã làm cho đạo Tin lành trở thành một tôn giáo có mầu sắc mới mẻ, thích hợp với giai cấp tư sản, tiểu tư sản, công chức, trí thức... thị dân nói chung trong xã hội công nghiệp. Đặc biệt với lối sống đạo nhẹ nhàng, đề cao đức tin và vai trò cá nhân, đạo Tin lành duy trì tín ngưỡng trong mọi hoàn cảnh chính trị, xã hội, kể cả những khi bị o ép, cấm cách.
3. Đạo Tin lành còn là một tôn giáo có đường hướng và phương thức hoạt động rất năng động, luôn đổi mới từ nội dung đến hình thức để thích nghi với hoàn cảnh xã hội. Đặc biệt, đạo Tin lành tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, nhất là lĩnh vực từ thiện nhân đạo, lấy đó làm phương tiện mở rộng ảnh hưởng. Điều này tạo ra uy tín và khả năng tiếp cận, chung sống với nhiều chế độ chính trị khác nhau.
4. Ngoài tầng lớp thị dân, đối tượng truyền đạo quan trọng thứ hai của đạo Tin lành là đồng bào các dân tộc thiểu số. Đó là những vùng đất mới - nơi chưa có tôn giáo chính thống hoặc tôn giáo, tín ngưỡng cũ đang suy thoái, mất uy tín, nơi đời sống dân sinh, trình độ dân trí thấp. Truyền đạo đến những vùng này, đạo Tin lành không những phát huy lợi thế vốn có "đơn giản về luật lệ, lễ nghi, cách thức hành đạo" mà còn nghiên cứu rất kỹ đặc điểm lịch sử, văn hoá, tâm lý, lối sống, phong tục, tập quán của từng dân tộc, chủ động địa phương hoá, dân tộc hoá để dễ dàng hoà nhập.
5. Ra đời, phát triển cùng với giai cấp tư sản cho nên đạo Tin lành có mối quan hệ khá chặt chẽ với giai cấp tư sản. Giai cấp tư sản sử dụng đạo Tin lành như một thứ vũ khí trong các cuộc cách mạng tư sản ở thời kỳ đầu và việc tìm kiếm thị trường thuộc địa sau này. Ngược lại, đạo Tin lành nhờ dựa vào giai cấp tư sản để củng cố phát triển lực lượng, kể cả việc lợi dụng các cuộc chiến tranh xâm thực mà giai cấp tư sản tiến hành.
6. Tuy nhiên, trong từng thời kỳ lịch sử, từng tổ chức hệ phái Tin lành, mối quan hệ nói trên có sự thay đổi ở từng nước, từng khu vực. Thời gian sau này, đạo Tin lành chịu ảnh hưởng của các xu hướng tiến bộ trên thế giới nên nhiều phái Tin lành tách dần khỏi sự kiềm tỏa của các thế lực chính trị./.
        Vụ Tin lành
Ban Tôn giáo Chính Phủ

THÔNG TIN CẬP NHẬT